VỰC DẬY CÔNG NGHIỆP CƠ KHÍ TRÁNH TÌNH TRẠNG TRỌNG ĐIỂM THÀNH THÍ ĐIỂM

Đăng vào 26/09/2024 lúc 15:41
    TIN THỊ TRƯỜNG

‘Lời khẩn cầu’ quan trọng nhất được nhiều doanh nghiệp (DN) cơ khí mong mỏi là cần chính sách ổn định, xuyên suốt.

Cơ khí được coi là ngành công nghiệp “xương sống” của nền kinh tế, nền tảng cung cấp công cụ, tư liệu sản xuất cũng như tạo năng suất cho hầu hết các lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng. Tuy nhiên có thực tế là dù dư địa phát triển khá lớn nhưng các DN cơ khí Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ngày càng tụt hậu, thiếu sức cạnh tranh ngay trên “sân nhà”. Do đó cần có sự nhìn nhận “đúng tầm” với bước đi phù hợp để ngành cơ khi góp phần hoàn thành mục tiêu CNH-HĐH đất nước.

Khó khăn của DN cơ khí

Theo tính toán của các chuyên gia, tổng nhu cầu về máy móc thiết bị của nước ta từ nay đến năm 2030 ước tính khoảng 350 tỷ USD. Đó là chưa tính đến thị trường công nghiệp phụ trợ nếu có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, dư địa phát triển còn lớn hơn nhiều. Như vậy, chỉ riêng dung lượng của thị trường cơ khí nội địa đã đủ để “nuôi lớn” DN. Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), nếu có chính sách thị trường hợp lý, ngành cơ khí Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để đáp ứng đến 70% nhu cầu thị trường vào năm 2030.

Về vấn đề thị trường, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh chia sẻ, ngay tại thị trường trong nước, các DN cơ khí cũng khó tham gia các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị cho một số ngành công nghiệp, như thép, hóa chất, năng lượng… Nguyên nhân trước hết đến từ các cam kết thương mại tự do khiến nhiều hàng rào thuế quan bảo hộ sản xuất trong nước bị gỡ bỏ, trong khi năng lực cạnh tranh vẫn chưa được cải thiện. Thêm nữa, hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực này cũng chưa đủ mạnh để có thể bảo vệ thị trường trong nước trước hàng nhập khẩu. Các DN cơ khí đã yếu, nay lại thiếu đầu ra cho sản phẩm nên càng không có điều kiện để tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Đây chính là vòng luẩn quẩn trong quá trình phát triển ngành cơ khí Việt Nam nhiều năm qua chưa có lời giải thỏa đáng

Bên cạnh đó, “căn bệnh” thiếu vốn đầu tư 20 năm qua vẫn chưa giải quyết được đã khiến ngành cơ khí hiện không còn là nghề “hot”. Thực trạng công nhân lành nghề qua đào tạo, thợ cả cơ khí ngày càng thiếu do phải lo mưu sinh đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lực lao động của ngành. Cùng với đó là chính sách cho ngành cơ khí vẫn thiếu ổn định hoặc DN có nhận được hỗ trợ nhưng không đầy đủ theo quy định.

Do đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi dài, ngành cơ khí cần có tầm nhìn tốt về thị trường. Một khi đã có thị trường, chắc chắn nhiều DN sẵn sàng bắt tay đổi mới công nghệ để nâng cao trình độ và năng lực sản xuất. Vậy, làm cách nào để vực dậy ngành công nghiệp cơ khí trong nước phát triển đúng với tiềm năng?

Tạo dựng ‘đầu tàu’

Một trong những cách làm hiệu quả là việc hình thành các đầu tàu thu hút các vệ tinh xung quanh nhằm hạn chế phân tán nguồn lực, làm bệ đỡ, hỗ trợ các DN để cùng phát triển.
Được xây dựng trong Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), KCN cơ khí ô tô của Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) có tổng diện tích 650 ha với sáu nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, 14 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng với các dây chuyền thiết bị hiện đại được chuyển giao từ các đối tác châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Giám đốc Khối Công nghiệp hỗ trợ của Trường Hải Đoàn Đạt Ninh cho biết, nhà máy sản xuất xe Mazda của Công ty hiện là một trong những nhà máy hiện đại nhất Đông Nam Á, đáp ứng yêu cầu chất lượng các dòng xe thế hệ mới theo hướng ít tiêu hao nhiên liệu, sử dụng năng lượng điện và thân thiện với môi trường, dây chuyền lắp ráp 80% tự động hóa… Đặc biệt, nhà máy áp dụng hệ thống điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền sản xuất tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng đến giao hàng theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng, đúng với tinh thần của cách mạng công nghiệp 4.0…

Tương tự, trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, nhiều dự án lớn do tổng thầu trong nước thực hiện đã được đánh giá cao về chất lượng, tiến độ. Việc Nhà nước mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp lớn trong nước làm tổng thầu EPC dự án đã đạt được nhiều thành công.

Có thể kể đến 2 dự án thủy điện Sơn La và Lai Châu. Tại đây, các nhà thầu trong nước đã thi công vượt tiến độ hằng năm, đem lại lợi ích hàng chục nghìn tỷ đồng. Hay thành công tại dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm tổng thầu EPC đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân làm nhiệt điện chuyên nghiệp… Đội ngũ này về lâu dài có thể tham gia nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực khác như chế tạo thiết bị đồng bộ, đường sắt, tàu điện ngầm…

Như vậy, nếu được đầu tư đúng mức và bài bản, những đầu tàu nêu trên sẽ từng bước tạo dựng được vai trò, vị thế cũng như định hình lại cách thức phát triển của ngành cơ khí theo hướng chuyên môn hóa cao hơn, hạn chế phân tán nguồn lực, bảo đảm ổn định sản xuất.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng nếu để DN trong nước tự cạnh tranh với các công ty FDI lớn thì DN nội “không bao giờ thắng được”. Do đó, trong tất cả các ngành, nhất là cơ khí, cần xây dựng một số DN đầu đàn, có năng lực về vốn và kỹ thuật, từ đó từng bước thu hút các DN nhỏ “bám theo” cùng phát triển.

Cần ổn định chính sách

Việc tạo dựng thị trường thông qua các đầu tàu là cần thiết, nhưng quan trọng hơn các chính sách về cơ khí phải ổn định, lâu dài.
Câu chuyện từ 2 nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 1 vẫn là một ví dụ điển hình đối với việc chính sách thiếu nhất quán. Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, cần thực hiện tốt chủ trương chính sách đã đề ra. Cụ thể đối với 2 dự án trên, cần đấu thầu trong nước đối với các gói thầu DN nội có thể đảm nhận được theo quy định, đồng thời mạnh dạn giao cho các nhà thầu trong nước có uy tín thi công xây dựng. Về lâu dài, cần tiếp tục đấu thầu các hạng mục đã nêu trong Quyết định 1791 đối với các dự án nhiệt điện khác. Điều này giúp nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và trình độ, năng lực của các DN Việt Nam.

Trên cơ sở ngành cơ khí Việt Nam có thể làm tốt được nhiều chủng loại sản phẩm, nhưng nguồn lực tài chính của đất nước có hạn, cơ quan thẩm quyền  nên tập trung rà soát lại một số sản phẩm cơ khí trọng điểm có thị trường và điều kiện phát triển tốt để có những chính sách hỗ trợ tập trung hơn như ngành đóng tàu, chế tạo thiết bị đồng bộ, thiết bị điện, ô tô, máy động lực, máy nông nghiệp, tránh tình trạng chính sách vĩ mô tốt, nhưng triển khai kém hiệu quả. Ngoài ra, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách, cần có những chế tài bắt buộc sử dụng vật tư, thiết bị do Việt Nam sản xuất đạt tiêu chuẩn.

Còn theo Chủ tịch VAMI Đào Phan Long, những sản phẩm này phần lớn là đầu tư công, do đó cần có chính sách để dành đơn hàng trước hết cho cơ khí nội địa như cách nhiều nước khác đã và đang thực hiện một cách hết sức nghiêm ngặt. Nhà nước cần tính toán và có hỗ trợ để DN trong nước có nhiều đơn hàng, có thị trường, từ đó có điều kiện tích lũy để đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ để hạn chế tối đa việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, trang thiết bị đã qua sử dụng lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. “Nếu không làm tốt được những việc này, cơ khí trong nước sẽ rất khó có được cơ hội đột phá trong thời gian tới”, ông Long nhấn mạnh.

Riêng đối với ngành công nghiệp đóng tàu, tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 cho thấy lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu vắng những đội tàu có chất lượng để khai thác tốt thế mạnh kinh tế biển. Mặc dù đến thời điểm này, công nghiệp đóng tàu không còn được xác định là một ngành công nghiệp mũi nhọn, song thực tế ngành công nghiệp đóng tàu vẫn đóng vai trò rất quan trọng.

Theo Tổng Giám đốc Nhà máy đóng tàu Dung Quất Phan Tử Giang, nhu cầu giao dịch quốc tế giữa các nền kinh tế thế giới đang có xu hướng ngày càng tăng, do đó, lĩnh vực hàng hải sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng, trong đó có “đất diễn” cho ngành công nghiệp đóng tàu. Tuy nhiên, hiện nay, những vấn đề tồn tại cũ vẫn đang bủa vây nhiều nhà máy đóng tàu, do đó cần có cơ chế giúp các doanh nghiệp của ngành đóng tàu tiến hành cải tổ, thậm chí phá sản để sau đó các doanh nghiệp này có thể trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Các nhà máy đóng tàu với cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị đã đầu tư, với đội ngũ cán kỹ thuật, công nhân có tay nghề là một tài sản lớn của đất nước, nếu để cho tình trạng các DN đóng tàu ngập trong nợ cũ, không thể tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ là tổn thất không nhỏ.
Để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí, nhất là DN nhỏ và vừa (chiếm đa số), việc hỗ trợ thêm những nguồn lực về vốn, đất đai, lãi suất… là rất quan trọng. Tuy nhiên, đôi khi sự ổn định của chính sách mới là điều được nhiều DN quan tâm. Theo đó, rất cần có những thay đổi căn bản và mạnh mẽ hơn trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai các quy định trong phát triển cơ khí để giúp DN phát triển đúng hướng, có chiến lược kinh doanh bài bản và tầm nhìn dài hạn để phát triển tốt hơn trong xu thế ngày càng hội nhập hiện nay.

Internet